Tiêu chảy là một bệnh khá phổ biển ở trẻ em, nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của trẻ lúc này còn yếu, đường ruột dễ bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn, dị ứng thực phẩm, khả năng dung nạp kém, rối loạn tiêu hóa
1. Cảm cúm
Cảm cúm là một căn bệnh thường gặp với hầu hết các độ tuổi nhất là trong thời điểm giao mùa, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Đặc biệt, đối với trẻ em có sức đề kháng còn yếu, khả năng miễn dịch còn kém nên nếu để lâu có thể sinh ra một số biến chứng nguy hiểm như: viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa…
Một số biểu hiện cảm cúm ở trẻ bao gồm: Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, ngứa hoặc đau họng, ho, đau đầu, mệt mỏi, có thể có sốt cao từ 39°C trở lên.
Để phòng tránh bệnh cảm cúm các mẹ cần chú ý đến một số điểm sau đây:
– Bổ sung nhiều nước và vitamin C hàng ngày cho bé
– Dùng giấy mềm lau mũi
– Cặp nhiệt độ thời xuyên cho bé
– Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị cúm
2. Sởi
Cũng tương tự như cúm, sởi là một căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng đối với trẻ em bị sởi thường có biểu hiện nặng hơn.
Bệnh sởi ở trẻ em thường có các biểu hiện sau đây: Sau thời gian ủ bệnh khoảng 1 – 2 tuần, biểu hiện đầu tiên là sốt cao kéo dài 1 – 7 ngày, bé thường chảy nước mũi, nước mắt, ho, mắt đỏ, xuất hiện nốt trắng nhỏ bên trong má. Sau vài ngày sẽ có ban đỏ từ mặt sau đó lan xuống tay, chân trong kéo dài 5-6 ngày rồi biến mất. Ngoài ra, trẻ có thể chán ăn và tiêu chảy, thậm chí nếu trẻ bị mất nước quá nhiều do tiêu chảy, có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp và thanh quản, viêm tai giữa do virus làm giảm hệ miễn dịch.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh sởi ở trẻ em chủ yếu do không tiêm phòng sởi, chế độ nuôi dưỡng kém, sống trong môi trường chật chội, đông đúc, không được uống vitamin A, hệ miễn dịch yếu do AIDS hoặc các bệnh khác.
Để phòng ngừa bệnh sởi mẹ cần chú ý:
– Tiêm đầy đủ vắc-xin phòng sởi cho bé mũi đầu lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 18 tháng tuổi
– Vệ sinh nhà cửa, chăn chiếu, gối, màn và môi trường sống xung quanh một cách sạch sẽ
– Tắm rửa hàng ngày cho bé bằng nước ấm, có thể pha thảo dược như bồ kết, lá trà xanh… Vệ sinh răng tai, mũi họng thường xuyên cho bé
– Trước khi tiếp xúc hay ẵm bồng bé cần thay quần áo sạch sẽ và rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn tay chân
– Khi thấy các biểu hiện giống sởi cần đưa trẻ đến trung tâm y tế sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời.
3. Tiêu chảy
Tiêu chảy là một bệnh khá phổ biển ở trẻ em, nguyên nhân là do hệ tiêu hóa của trẻ lúc này còn yếu, đường ruột dễ bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn, dị ứng thực phẩm, khả năng dung nạp kém, rối loạn tiêu hóa.
Biểu hiện thường gặp ở tiêu chảy bao gồm: Đi ngoài phân lỏng hơn bình thường và đi quá 3 lần/ngày. Nếu nặng hơn trẻ có thể bị tiêu chảy cấp gồm những biểu hiện sau: Tiêu chảy quá 2 ngày mà không giảm, bụng trẻ đau khi ấn vào, phân có thể lẫn máu, nôn và sốt cao, chán ăn, mất nước (miệng, lưỡi, mắt trũng, khóc không có nước mắt)
Để góp phần hạn chế bệnh tiêu chảy, mẹ cần nhớ:
– Bổ sung nhiều nước và sữa mẹ cho bé
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất
– Vệ sinh hai tay sạch sẽ cho bé trước khi cho trẻ bú, chế biến thức ăn và sau khi thay tã cho bé, sau khi đi ngoài
– Vệ sinh cơ thể bé hàng ngày bằng nước ấm
– Sử dụng nước sạch để sinh hoạt, ăn uống, sử dụng cầu tiêu hợp vệ sinh và xử lý phân trẻ nhỏ an toàn.
4. Thủy đậu
Thủy đậu là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây dịch từ một loại virus có tên là Varicella Zoster gây ra. Thông thường, giai đoạn 2 – 7 tuổi trẻ rất dễ mắc phải căn bệnh này và ít khi gặp khi trẻ dưới 6 tháng tuổi. Bệnh thường nhẹ nhưng dễ lây thành dịch.
Sau thời gian ủ bệnh khoảng 14 – 15 ngày thì bệnh phát và bắt đầu có các biểu hiện như: Xuất hiện các nốt đỏ ở đầu sau đó lan xuống người, bắt đầu từ thân đến mặt, xung quanh miệng, trẻ có triệu chứng chóng mặt, sốt nhẹ, ho. Những mụn nhỏ li ti lúc đầu sau 48 giờ sẽ khô lại và thành vảy. Sau 5 – 6 ngày, vảy bong ra và để lại sẹo.
Thông thường, sau khoảng 2 tuần phát bệnh thì bé sẽ khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp thủy đậu làm ảnh hưởng tới vùng tiểu não và hệ thần kinh làm cháu bé đi lảo đảo trong thời gian bệnh đang phát triển. Bệnh có thể kéo dài thêm một ít nhưng cũng khỏi sau vài tuần.
Để đề phòng thủy đậu cho bé mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể cho bé bằng cách tắm rửa, cắt móng tay, móng chân và giữ sạch, mặc áo quần rộng rãi, thoáng mát, cho bé bú nhiều và đối với những bé trên 6 tháng tuổi cần bổ sung nhiều nước và trái cây, rau xanh hàng ngày.
Ngọc Trang