Có rất nhiều cách để thiết kế một logo. Nhưng làm cách nào để logo đó vừa độc đáo vừa thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của một thương hiệu mới là quan trọng.
Những mẫu logo độc đáo của Twitter, Digital Chocolate và SmugMug đã để lại dấu ấn thương hiệu sâu đậm trong lòng công chúng.
Có rất nhiều cách để thiết kế một logo. Nhưng làm cách nào để logo đó vừa độc đáo vừa thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của một thương hiệu mới là quan trọng. Tất nhiên, logo xấu không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ làm ăn đổ bể và ngược lại, logo đẹp không phải là đảm bảo cho sự thành công của doanh nghiệp. Logo chỉ có tác động bổ trợ nhưng tác động ấy sẽ là không nhỏ nếu logo có thể khiến người khác ngay lập tức nhận diện thương hiệu của công ty giống như trường hợp của ba doanh nghiệp dưới đây.
Chú chim xanh của Twitter
Hẳn hình ảnh chú chim xanh sẽ làm nhiều người liên tưởng ngay đến Twitter – một mạng xã hội rất được ưa chuộng hiện nay. Song, điều thú vị là chú chim xanh ấy không phải do công ty Twitter (Mỹ) hay một nhà thiết kế nổi tiếng nào đó nghĩ ra. Nó xuất hiện một cách ngẫu nhiên trong cộng đồng người dùng Twitter từ năm 2006 khi mạng này khai trương tiểu mục blog , những mẩu tin nhắn cá nhân trong mục này được họ liên tưởng tới “tweet” (tiếng chiêm chiếp của những chú chim).
Đi theo cách gọi này, Twitter quyết định mua lại bức vẽ một chú chim của nhà thiết kế Simon Oxley trên iStockphoto.com – một thư viện hình ảnh có bản quyền trực tuyến – và sử dụng nó để làm logo của công ty. Khỏi phải nói, hình ảnh chú chim xanh đó đã làm nên một một logo thành công như thế nào bởi nó thể hiện quá đúng “chất” Twitter trong lòng cộng đồng cư dân mạng.
Sai lầm duy nhất của Twitter trong cú hích thương hiệu này là họ đã đi mua một bức hình mà bản quyền vẫn thuộc về người vẽ. Điều này có nghĩa là Twitter không được kiểm soát hoàn toàn việc sử dụng, mua bán bức hình đó. Và hiện giờ bản gốc của nó vẫn tiếp tục được đăng bán trên iStockphoto. Chỉ cần trả 10 USD là ai cũng có thể sử dụng nó cho mục đích riêng của mình.
Thanh kẹo Sô cô la của Digital Chocolate
Nhiều người nói logo Trip Hawkins dùng cho công ty Digital Chocolate – một công ty trò chơi trên điện thoại di động rất được yêu thích với tổng số đầu tư lên tới 44 triệu USD và khoảng chục triệu khách hàng– trông rối rắm và lòe loẹt.
Đó là một logo mang hình dáng của một thanh kẹo sô cô la với dòng chữ “Digital Chocolate” nhiều màu in nổi và ba vạch sóng vô tuyến ở góc phải như bị gặm dở của thanh kẹo. Ẩn ý đằng sau logo này là “Digital Chocolate giống như một một món ăn tinh thần nhỏ dành cho những vị khách hàng bận rộn”.
Tuy cầu kỳ và nhiều màu sắc thật nhưng mẫu logo này lại hết sức thành công bởi nó truyền tải một cách đầy đủ thông điệp của công ty. Hơn thế nữa, màu sắc rực rỡ của nó giúp người ta có thể dễ dàng phát hiện ngay cả khi đứng từ xa. Ngay cả khi nó được thu nhỏ hoặc đổi sang màu trắng, đen, “thanh kẹo sô cô la” này cũng vẫn đầy sức hấp dẫn bởi thiết kế cầu kỳ của nó. Chỉ có điều logo này bắt buộc phải in bằng máy in 4 màu – hơi tốn kém và bất tiện cho các doanh nghiệp nhỏ với số vốn ban đầu không không được “xông xênh” cho lắm.
Hình mặt cười của SmugMug
Đôi khi ý tưởng cho một logo độc đáo đến một cách hết sức tình cờ. Như trường hợp của Don MacAskill và cha anh – Chris với trang web chia sẻ hình ảnh Smugmug. Mới đầu, hai cha con loay hoay mãi không tìm được tên cho công ty. Cuối cùng họ đành dùng tạm cái tên SmugMug (chiếc cốc bảnh chọe) mà bạn bè, người thân tư vấn mặc dù trong lòng thì lo người ta hiểu nhầm là mình đi bán cốc uống cà phê.
Để tự giải tỏa nỗi chán chường của mình, MacAskill mở phần mềm chỉnh sửa ảnh Photoshop của Adobe ra và đánh vào đó dấu hai chấm và chữ D (biểu tượng nụ cười). Sau đó, anh xoay hình đó một góc 90 độ theo chiều kim đồng hồ để tạo thành hình mặt cười và đặt chữ SmugMug ở dưới. Trong vòng chưa đầy 10 phút, MacAskill làm xong một mẫu logo “tạm bợ” cho công ty.
Tám năm qua đi, SmugMug trở thành công ty lớn với hơn 50 nhân viên và hàng trăm ngàn khách hàng. Biểu tượng mặt cười của SmugMug (còn gọi là smuggie) cũng hút được lượng fan hâm mộ hết sức đông đảo. Nhiều khách hàng “kết” smuggie đến mức mỗi lần công ty định đổi logo khác là họ lại dọa làm loạn lên.
Smuggie chỉ là một ví dụ của logo “mì ăn liền” – loại logo được phác họa “đại” trên vỏ bao thuốc lá, phong bì, mảnh giấy ăn hay bất kỳ chất liệu gì mà người thiết kế vớ được trong một buổi tiếp khách. Với logo này, người thiết kế không mất nhiều thời gian, công sức lắm và thường thì nó chỉ đóng vai trò như một ý tưởng ban đầu cho việc thiết kế sau này.
Thành công của logo “mì ăn liền” smuggie là ở chỗ nó tạo được cảm giác ấm áp, thân thiện ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nó cũng đủ độc đáo để khiến người ta chỉ cần nhìn qua cũng nhận ra đó là biểu tượng của SmugMug.
Vấn đề rất thường gặp với những thiết kế logo không chuyên nghiệp là cố gắng diễn giải thật nhiều. Cono Fusco, giám đốc LogoMojo.com tâm sự “Các công ty thường đưa những bản phác họa logo cho nhân viên thiết kế và yêu cầu họ thêm thắt chi tiết, màu mè, thay đổi font chữ. Kết quả là mẫu logo trở nên quá rối rắm và không thể hiện được thông điệp quan trọng nhất mà công ty muốn gửi đến khách hàng của mình”.
nguồn internet