Thị trường quảng cáo tại Việt Nam ngày càng phát triển thì nhu cầu nguồn nhân lực ngành quảng cáo càng lên cơn sốt; những copywriter (người viết lời quảng cáo) càng được săn đón. Và như vậy, các cô gái thích đùa với chữ càng lúc càng có giá.
Giỡn chữ, đọc thơ… và ôm từ điển.
Theo Mai Hân, một copywriter thì đây là một công việc rất đa dạng. “Có khi là viết quảng cáo trên truyền hình, trên radio, viết lời và kịch bản cho phim quảng cáo, viết tựa và nội dung quảng cáo trên báo chí, thông điệp truyền thông cho khuyến mãi hoặc thông cáo báo chí… Nhiều người cứ nghĩ copywriter chỉ viết slogan thì chưa đủ”, Hân khẳng định.
Với copywriter, “đem chữ ra giỡn” chính là “sắp xếp chúng sao cho đạt hiệu quả nhất”. H.Chi, một nữ copywriter đùa: “Nếu nói bán chữ thì người ta tưởng là giáo viên hay nhà văn, nhà thơ nên ai hỏi em làm gì, em nói em làm nghề giỡn với chữ nghĩa”.
Nói là nói vậy, nhưng “giỡn không có nghĩa là coi thường chữ nghĩa mà là làm thế nào để đầu óc mình lúc nào cũng vui vẻ, tỉnh táo mà nghĩ ra nhiều câu slogan hay hoặc các lời quảng cáo cho hay”. Với H.Nhung, mỗi lần xem một quảng cáo hay trên truyền hình, cô như người “chập chập”. Cứ nhẩm đi nhẩm lại lời của mẩu quảng cáo đó. Nhung giải thích: “Em muốn thử xem có thể hay hơn được không?”. Với các nữ copywriter, đôi lúc sự ganh tỵ theo kiểu “nhi nữ thường tình” lại là một động lực cho họ nỗ lực. M.Khanh nói: “Người ta làm được, tại sao mình không? Vấn đề là có ý tưởng và sử dụng từ ngữ sao để diễn đạt ý tưởng đó tốt nhất. Dĩ nhiên cũng vẫn là bao nhiêu từ ngữ đấy thôi nhưng ai sáng tạo hơn và thuyết phục hơn thì người ấy sẽ thành công hơn”.
Mức lương khoảng từ 3 đến 15 triệu đồng/tháng là một trong những hấp lực làm không ít bạn gái trẻ muốn vào nghề này. Hiện nay, các trường đại học ở Việt Nam hầu như chưa có nơi nào đào tạo nghề copywriter một cách bài bản. Chính thế, đây là nghề của sự tự học. Có không ít copywriter nữ mà tôi gặp luôn kè kè quyển sổ ghi những từ tiếng Việt “hay hay, lạ lạ” mà họ bắt gặp trong sách vở hoặc trên báo, mạng internet.
Có khá nhiều cô có “vật bất ly thân” là từ điển tiếng Việt, số khác lại hay đọc thơ. Như Thanh lý giải: “Thơ thường hàm súc, cô đọng, giàu hình ảnh, ý nghĩa. Đọc thơ rất tốt cho nghề copywriter”. Còn lý do của việc mang theo từ điển tiếng Việt là vì: “Ai cũng nghĩ mình là người Việt, hiển nhiên rành tiếng Việt nhưng điều đó em nghĩ chưa chính xác lắm. Tiếng Việt phong phú và đa dạng trong khi vốn từ vựng mỗi ngày mình dùng lại cố định”.
Những vui buồn khó tránh
Khi các mẩu quảng cáo được tung ra thị trường, các copywriter cứ lâng lâng sung sướng. P.Khánh kể: “Lần đầu tiên, ý tưởng của em được khách hàng chấp nhận, nhìn những tờ rơi có slogan của mình bay đi khắp nơi, em sung sướng đến phát khóc”. Tâm tình của Khánh cũng là của chung nhiều nữ copywriter. Niềm vui nghề nghiệp của họ không chỉ vì thu nhập mà mỗi một slogan còn là thành quả của sự vắt óc sáng tạo và đam mê không ngừng nghỉ. Các nữ copywriter có những trò đùa tếu rất “độc chiêu”.
Tường Vân kể: “Tụi em thường họp nhóm vào cuối tuần, ngồi một lúc thế nào cũng bày trò cải biên slogan. Ai có câu cải biên được cả nhóm công nhận là tếu nhất sẽ được cả nhóm trả tiền ăn sáng”. “Vậy em có được miễn phí lần nào chưa?”, tôi hỏi. Cô cười khoe má lúm đồng tiền: “Có chứ, em là… chúa nói tào lao mà!”. Cô kể là nhóm của cô đã “sáng tạo” ra câu “Hãy… theo cách của bạn” nhại theo slogan của một hãng viễn thông.
Vân nói: “Chỉ cần điền một động từ nào vào đó là xong ngay. Cả nhóm cứ ôm bụng cười bò mỗi khi đứa nào tìm ra một từ độc chiêu nào đó”. Nói xong, như sợ hiểu lầm, Vân thêm: “Thật ra, nhại theo slogan không phải là có ý xấu. Chỉ có những slogan thật hay mới làm tụi em chú ý. Nhại họ thật nhưng trong lòng rất ngưỡng mộ ai đã sáng tạo ra chúng… Khi nhại một slogan cũng là lúc tụi em mong muốn mình sẽ nỗ lực để có được những slogan hay như vậy”. Với một số bạn khác, việc slogan của mình bị nhại lại là niềm vui, bởi vì “người ta có chú ý mới nhớ, mà nhớ slogan tức là nhớ thương hiệu. Vậy là đúng mục đích, yêu cầu rồi”.
Những nỗi buồn nghề nghiệp của các copywriter cũng rất đặc trưng. N.Hằng tâm sự: “Mình đau đầu suốt cả tháng trời để nghĩ ra 3 slogan. Khách hàng chê ỏng chê eo rồi ra về. Sáu tháng sau, một trong ba câu của mình hiên ngang xuất hiện trên sản phẩm của họ. Mình tức điên người nhưng biết sao được. Kiện ai? Tiền và thời gian đi kiện cũng còn hơn mình để thời gian và công sức đó để sáng tạo ra những cái khác”.
Nỗi buồn của các nữ copywriter Việt còn lớn hơn những chuyện cá nhân khi mà: “Nhiều người cứ trêu là quảng cáo Việt Nam… buồn cười quá! Copywriter viết slogan dài cả cây số không ai nhớ nổi, còn phim quảng cáo thì phần lớn ra rả về sản phẩm như mấy người bán thuốc dỏm đi bán dạo”, M.Trang ấm ức. Rồi cô nói thêm: “Mà nghĩ kỹ thấy họ nói cũng đúng nên thấy buồn. Các slogan của các thương hiệu nước ngoài rất ngắn, chỉ đôi ba chữ nhưng độc đáo. Bởi vậy, tụi em nhất định sẽ cố gắng để tạo ra các slogan thế nào cho thật ngắn mà thật hay dù biết, thay đổi thói quen thích nói nhiều về sản phẩm của mình là một việc làm rất khó!”.
Theo Thanh Niên